Lịch sử ra đời Nón bài thơ

Từ rất lâu đời, do nhu cầu của cuộc sống của các vương triều phong kiến nhà Nguyễn (kéo dài 143 năm: 1802 – 1945) và do sự phân công lao động trong xã hội, vì vậy, nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng trên vùng đất Huế đã được hình thành, phát triển và tồn tại cho đến tận ngày nay. Trong số đó có những làng nón truyền thống như Phủ Cam, Đốc Sơ, Dạ Lê, Kim Long, Tây Hồ và làng nón Bài Thơ.

Có lẽ chưa thể có câu trả lời chính xác nhất về thời điểm ra đời. Tuy nhiên, theo những ghi chép còn sót lại của Lê Quý Đôn trong "Phủ biên tạp lục", khi nhận xét về chiếc nón lá xứ Thuận Hóa ở thế kỷ XVI, XVII đã cho chúng ta biết rằng nghề làm nón lá Huế đã có từ khoảng hơn 300 - 400 năm về trước.

Nghề làm nón ở Huế xuất phát từ nhu cầu của đời sống dân gian. Nón vừa là vật dụng khá tiện lợi, phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, giá lại rẻ, vì vậy, nón Huế rất được ưa chuộng. Nón Huế xuất hiện ở mọi nơi, trên cánh đồng lúa chín vàng ươm, ở chốn đền đài lăng tẩm vươn màu thời gian. Ai ai cũng có thể đội nón Huế. Từ cụ già đến em bé, hướng dẫn viên và cả những du khách nước ngoài.

Nghề làm nón lá nổi tiếng ở Huế từ lâu nhưng làm nón bài thơ thì chỉ khoảng từ sau năm 1959. Người dân Tây Hồ luôn tự hào quê mình là nơi xuất xứ của nón bài thơ xứ Huế. Chiếc nón bài thơ ra đời ở Tây Hồ như một sự tình cờ. Đó là vào khoảng năm 1959-1960, ông Dương Đức Bặt - một nghệ nhân chằm nón lá, cũng là một người yêu thơ phú trong làng đã có sáng kiến làm nên nón bài thơ, bằng cách ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá, tôn vinh thêm vẻ đẹp của chiếc nón.

Lúc đó, nón lá ở Huế chủ yếu bán vào thị trường ở các tỉnh phía Nam, nên hai câu thơ đầu tiên được ông Bặt ép vào chiếc nón là: "Ai ra xứ Huế mộng mơ / Mua về chiếc nón bài thơ làm quà".

Ban đầu, nón bài thơ được người dân Tây Hồ làm để tặng người thân, không ngờ lại được mọi người yêu thích. Từ đó, những người làm nón ở Tây Hồ bắt đầu làm nón bài thơ hàng loạt, đưa ra bán ở thị trường. Những câu thơ được ép vào nón cũng đa dạng và phong phú hơn, thường là những câu thơ về Huế.[1]